Skip to main content

Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc nâng cao hiệu quả nhận diện, đấu tranh, phòng ngừa các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ ra cụ thể 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đồng thời đề ra 4 nhóm giải pháp để khắc phục và ngăn chặn, trong đó nhóm giải pháp thứ 4 về phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là một giải pháp rất quan trọng.

Để triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp của Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 39-CTr/TU, ngày 28/12/2016 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, xác định các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện ngay và thường xuyên, nhiệm vụ theo lộ trình, trong đó có nhiệm vụ tăng cường công tác dân vận, thực hiện có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; phát huy vai trò của nhân dân góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 319-QĐ/TU, ngày 13/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quyết định 320-QĐ/TU, ngày 13/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân đặc biệt là Hướng dẫn số 05-HD/TU, ngày 27/03/2017  về thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để các cấp ủy, tổ chức đảng thuộc đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó hướng dẫn về hình thức nhân dân giám sát đối với cán bộ, đảng viên về các nội dung: 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; 19 điều quy định đảng viên không được làm; trách nhiệm thực thi công vụ; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm của cán bộ, đảng viên; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu; việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về quyền và trách nhiệm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; nhận diện 27 các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.

dt

Đại diện Nhân dân phát biểu tại Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn huyện Lộc Bình (nguồn: langson.gov.vn)

Giai đoạn 2016 - 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thành lập đoàn giám sát được 1.247 cuộc; Giám sát bằng hình thức xem xét văn bản được 815 cuộc; tham gia giám sát cùng với các cơ quan chức năng, các tổ chức thành viên được 5.513 cuộc. Nội dung giám sát tập trung các vấn đề như: việc thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW, ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mỗi liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú  (nay là Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cơ trú); giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong nhận diện, đấu tranh, phòng ngừa các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóá”; nâng cao ý thức tôn trọng nhân dân, gần gũi, gắn bó, có trách nhiệm với nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân, phát huy dân chủ, quyền lợi và trách nhiệm công dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau như: thực hiện việc góp ý đối với cá nhân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người đứng đầu thông qua hình thức góp ý định kỳ mỗi năm một lần; tổng hợp ý kiến của đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng văn bản gửi cấp uỷ đảng, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trước kiểm điểm đảng viên, cán bộ, công chức hằng năm của các cơ quan, đơn vị hoặc trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Góp ý trực tiếp tại các cuộc họp nhân dân ở khu dân cư, các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cư, các cuộc tiếp công dân, gửi văn bản qua hòm thư góp ý, hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ thông tin; tại hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân... Các nội dung góp ý bao gồm: về việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm thực thi công vụ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu hội đồng nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Đặc biệt là việc lấy ý kiến Nhân dân tham gia góp ý vào các dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đảng bộ các cấp được triển khai thực hiện nghiêm túc. Kết quả, tham gia góp ý vào các văn kiện Đại hội XIII của Đảng với tổng số 69.222 người được lấy ý kiến và có 46.789 đại biểu tham gia phát biểu; góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 với tổng số 56.911 người được lấy ý kiến vào các dự thảo văn kiện. Từ những nội dung góp ý, cấp uỷ đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên kịp thời khắc phục những hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, phương pháp công tác, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; phát huy được vai trò và quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Việc tổ chức Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì thường xuyên, nghiêm túc; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động nắm bắt, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân; mở rộng và tăng cường các hình thức thu thập ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, dư luận trong xã hội để có hướng phản ánh, tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải đáp, giải quyết thỏa đáng, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân, góp ý về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, về mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên với nhân dân; về về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cáp ủy, chính quyền các cấp. Hằng năm, 11/11 huyện, thành phố và 200/200 xã, phường, thị trấn (100%) đều tổ chức đối thoại. Trong quá trình đối thoại lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đã trực tiếp tuyên truyền, vận động cho Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp; giải quyết kịp thời nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Qua đó, góp phần đổi mới phương pháp, phong cách dân vận của đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ đảng, năng lực quản lý điều hành của chính quyền, năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

  Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc nâng cao hiệu quả nhận diện, đấu tranh, phòng ngừa các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn những hạn chế, đó là: Chất lượng, nội dung giám sát có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu chủ động trong việc lựa chọn nội dung giám sát, chủ yếu thực hiện theo chỉ đạo của ngành dọc cấp trên; giám sát ở cấp huyện và cơ sở còn lúng túng; vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng có nơi chưa được phát huy tối đa. Việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; phát huy trí tuệ, sáng tạo của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, quản lý, điều hành của chính quyền còn hạn chế. Việc thực hiện Hướng dẫn số 05-HD/TU, ngày 27/03/2017 của về thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để các cấp ủy, tổ chức đảng thuộc đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có nơi còn mang tính hình thức.

  Để tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò của quần chúng nhân dân trong việc nâng cao hiệu quả nhận diện, đấu tranh, phòng ngừa các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:

  Một là, các tổ chức, cấp ủy đảng và hệ thống chính trị cần làm tốt công tác tư tưởng để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tính cấp bách của nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; tính quyết liệt của việc ngăn chặn, đẩy lùi 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu.

  Hai là, tăng cường thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng tạo cơ chế thực sự để nhân dân thực hiện, phát huy quyền giám sát, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị Về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, gắn với thực hiện Hướng dẫn số 05-HD/TU, ngày 27/03/2017 của về thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để các cấp ủy, tổ chức đảng thuộc đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Quy định về giám sát của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

  Ba là, tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH 11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thực hiện có hiệu quả, thực chất phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

  Bốn là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiêm túc định kỳ và đột xuất tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp thông tin, ý kiến của nhân dân phản ánh, kiến nghị về những nội dung liên quan đến suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên để kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý và thông tin kết quả thực hiện cho nhân dân biết; phối hợp thật tốt, có hiệu quả với báo chí trong việc giám sát, đấu tranh ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện về suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên./.

Lục Thanh Hà, Phó Trưởng ban thường trực

 Ban Dân vận Tỉnh ủy

         

About