Skip to main content

Lịch sử truyền thống

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Hoàng Văn Thụ, người con ưu tú của Xứ Lạng đã trở thành một trong những người đảng viên đầu tiên của Đảng. Chi bộ Đảng vùng núi biên giới Việt - Trung, trực tiếp là đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tích cực vận động quần chúng, xây dựng phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn. Các chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn được thành lập: ở Thụy Hùng, châu Văn Uyên năm 1933; châu Bắc Sơn năm 1936 và ở huyện Tràng Định năm 1938 đã thực hiện chủ trương, nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng, tuyên truyền, vận động, tổ chức và lãnh đạo quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh dấy lên phong trào cách mạng rộng khắp, làm nên cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn lịch sử tháng 9 năm 1940 tiền đề cho tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào thực tiễn địa phương. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy các đoàn thể “Nông dân cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc” đã tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức và lãnh đạo quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái tham gia các đội tự vệ chiến đấu, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đóng góp, dự trữ lương thực, thực phẩm cho kháng chiến, góp phần quan trọng vào các chiến thắng đường 4, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn tháng 10 năm 1950; lực lượng bộ đội, dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong là con em các dân tộc Lạng Sơn đã có mặt khắp các chiến trường tiến về Tây Bắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954.

         Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược để thực hiện chủ trương, nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng, Đảng bộ Lạng Sơn đã không ngừng chú trọng lãnh đạo công tác dân vận, tăng cường hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, tích cực động viên nhân dân, huy động tối đa sức người, sức của cho phát triển kinh tế - xã hội. Với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai, vì đồng bào miền Nam ruột thịt”,“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã không ngừng đóng góp công sức cho củng cố hậu phương vững mạnh, kịp thời chi viện cho chiến trường. Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh tích cực bảo quản, vận chuyển hàng hóa viện trợ của các nước qua Lạng Sơn chi viện cho tiền tuyến. Trong thời khắc lịch sử năm 1972, khi đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, cảng Hải Phòng bị giặc Mỹ phong tỏa bằng bom mìn, thủy lôi, Lạng Sơn thực sự trở thành “cảng nổi” kiên cường, lập thành tích vẻ vang, góp phần liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

       Giai đoạn 10 năm thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội (1975-1985), Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã phải đối mặt với những thử thách của nền kinh tế suy giảm do hậu quả của cơ chế quan liêu, bao cấp, của thiên tai tàn phá, tình hình biên giới luôn diễn biến phức tạp bởi các hành động xâm lấn từ phía Trung Quốc, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác dân vận, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực của nhân dân các dân tộc quyết tâm vượt lên mọi khó khăn thách thức, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, xứng đáng là mảnh đất phên dậu phía Bắc của Tổ quốc.

      Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, công tác dân vận đã không ngừng đổi mới để phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và của tỉnh, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương

      Trải qua các thời kỳ cách mạng, cơ quan làm công tác dân vận có những tên gọi khác nhau như: Ban chuyên môn về từng giới vận (1930-1945 và 1951-1962), Ban Mặt trận và các tiểu Ban vận (1962-1976), Ban Dân vận - Mặt trận (1976-1980), Ban Dân vận (1947-1951 và từ 1981 đến nay) nhưng chức năng, nhiệm vụ chung không thay đổi, là cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác vận động quần chúng.

       Tại tỉnh Lạng Sơn, thực hiện chỉ đạo của Trung ương để có cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác dân vận, ngày 23/5/1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 53-QĐ/TU về việc thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy. Nội dung của Quyết định số 53-QĐ/TU:

1. Giải thể Ban Dân vận và Mặt trận được thành lập theo quyết định 367-QĐ/TW, ngày 26 tháng 11 năm 1980. Nay thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy.

         2. Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan chuyên môn của Tỉnh ủy có nhiệm vụ:

       a) Giúp Tỉnh ủy trong việc quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác dân vận và theo dõi, kiểm tra việc thi hành các Nghị quyết, Chỉ thị đó ở các cấp ủy, các đoàn thể quần chúng, các ngành.

       b) Giúp Tỉnh ủy quản lý cán bộ các đoàn thể quần chúng và Mặt trận theo quy định của Tỉnh về phân công, phân cấp quản lý cán bộ và giúp đỡ Đảng đoàn các đoàn thể, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thanh niên và Đảng đoàn Mặt trận làm tốt công tác cán bộ theo các Nghị quyết, Chỉ thị hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy.

       c) Từng thời gian tổng kết kinh nghiệm về công tác dân vận để giúp Tỉnh ủy và các cấp cải tiến công tác lãnh đạo quần chúng.

      d) Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Dân vận Tỉnh ủy. Ban tổ chức Tỉnh ủy giúp Tỉnh ủy xét duyệt cụ thể.

      3. Các huyện, thị xã không thành lập Ban Dân vận, chỉ phân công đồng chí phó Bí thư thường trực hoặc ủy viên Thường vụ phụ trách công tác dân vận.

      4. Ban Dân vận Tỉnh ủy có 1 trưởng ban và có từ 1 đến 2 phó Trưởng ban giúp việc. Nay cử các đồng chí có tên sau đây đảm nhiệm:

      Đồng chí Đường Thị Kim, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Nông Đình Đề làm Phó Trưởng ban.

      Qua thời gian, mặc dù chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nhân sự có nhiều sự thay đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới nhưng các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của Ban Dân vận Tỉnh ủy qua các thời kỳ luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, luôn trăn trở tìm tòi, thực hiện nhiều cách làm mới, tháo gỡ khó khăn trước những thử thách trong thực tiễn công tác dân vận, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Ban Biên tập

GIỚI THIỆU CHUNG
 

TỔ CHỨC BỘ MÁY
 

CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ
 

BAN QUA CÁC THỜI KỲ
 

LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG
 

About