Skip to main content

Giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thời gian qua, Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là việc cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên thực tế tiến độ giải quyết, trả kết quả các TTHC lĩnh vực lĩnh vực đất đai vẫn còn chậm.

3

Cán bộ Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Văn Quan thẩm định, giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân

Huyện Chi Lăng là địa bàn có tỷ lệ hồ sơ chậm muộn cao nhất trong các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện đã tiếp nhận, xử lý 1.728 hồ sơ TTHC liên quan đến đất đai. Trong đó, đơn vị đã giải quyết, trả kết quả 867 hồ sơ (666 hồ sơ giải quyết trả kết quả trước và đúng hạn, 201 hồ sơ quá hạn, chiếm 23,18%).

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Chi Lăng cho biết: Tỷ lệ hồ sơ chậm muộn cao do trong quá trình giải quyết hồ sơ TTHC, cán bộ chuyên môn phải mất nhiều thời gian xác minh thông tin lịch sử, diện tích, vị trí… các thửa đất liên quan. Ngoài ra, hiện nay cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai trên địa bàn chưa hoàn thiện, chưa được cập nhật, chỉnh lý biến động do đó rất khó khăn trong quá trình tra cứu thông tin để giải quyết hồ sơ cho người dân.

Cũng giống như địa bàn huyện Chi Lăng, qua khảo sát tại một số chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện, thành phố, tình trạng chậm muộn trong giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp (DN) vẫn diễn ra. Ngoài huyện Chi Lăng còn có một số huyện có tỷ lệ hồ sơ giải quyết chậm muộn cao như: Cao Lộc (13,33%), Tràng Định (7,34%) và Lộc Bình (5,17%).

Theo VPĐKĐĐ tỉnh, sự chậm trễ trong giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai chủ yếu do tính chất tài liệu, hồ sơ địa chính phức tạp, biến động nhiều nhưng chưa được cập nhật, chỉnh lý kịp thời. Cùng đó là công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan chưa được chặt chẽ. Đồng thời, khối lượng hồ sơ TTHC tiếp nhận, thụ lý giải quyết ngày càng lớn, thời gian giải quyết hồ sơ được rà soát cắt giảm hằng năm nhưng số lượng cán bộ biên chế không được bổ sung thêm...

Bà Nguyễn Thị Ngọc, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Đầu năm 2024, tôi đến bộ phận một cửa UBND thành phố thực hiện thủ tục xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với trên 62 m2 đất ở của gia đình. GCNQSDĐ của gia đình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp lần đầu từ năm 2010. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, đo đạc thực tế thì hiện trạng ranh giới, diện tích khu đất đang bị lệch so với diện tích trên GCN được cấp. Hiện gia đình đang phối hợp với Chi nhánh VPĐKĐĐ thành phố thực hiện đo đạc, xử lý để đảm bảo hiện trạng giống như trên GCN gia đình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, việc giải quyết vẫn đang còn nhiều khó khăn.

Cùng với đó là do máy chủ hoạt động chưa ổn định nên việc cập nhật và vận hành CSDL địa chính chưa được thực hiện thường xuyên. Phần mềm hệ thống quản lý thông tin đất đai (Elis Cloud) và phần mềm dịch vụ công của tỉnh chưa kết nối liên thông nên quy trình xử lý, luân chuyển hồ sơ trong giải quyết TTHC về đất đai, cấp GCNQSDĐ chưa khép kín. Cùng đó là biến động đất đai lớn chưa được cập nhật, chỉnh lý kịp thời...

Những vướng mắc đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai, làm tăng tỷ lệ hồ sơ chậm muộn. Luỹ kế từ đầu năm 2024 đến ngày 16/6, hệ thống VPĐKĐĐ đã tiếp nhận, giải quyết 17.915 hồ sơ TTHC; đã giải quyết là 13.640 hồ sơ. Trong đó có 12.991 hồ sơ trả trước và đúng hạn; 649 hồ sơ chậm hạn, chiếm 4,76%, tăng 3,96% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Tạ Quốc Vinh, Phó Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm Chủ tịch UBND tỉnh giao (giảm tỷ lệ chậm muộn xuống dưới 2%) thời gian tới, VPĐKĐĐ tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở TN&MT kiện toàn bộ máy, tổ chức hệ thống VPĐKĐĐ; thực hiện tốt công tác phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc từ đó đưa ra những giải pháp tốt nhất nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết TTHC về đất đai.

Cùng với đó, đơn vị sẽ tăng cường số hoá hồ sơ TTHC; cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính có biến động để sát với thực tế. Đồng thời yêu cầu đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong quá trình thực hiện giải quyết các TTHC về đất đai phải thực hiện tốt nhiệm vụ công vụ, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị, cá nhân đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024...

Trước thực tế trên đặt ra yêu cầu ngành chức năng và cơ quan chuyên môn cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho người dân và DN khi khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai.

Nguồn: baolangson.vn

About