Skip to main content

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới

Ngày 03/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1027-CV/TU về việc triển khai thực hiện Kết luận số 44-KL/TW, ngày 14/11/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Kết luận số 44-KL/TW) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X (Chỉ thị số 43-CT/TW) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ rõ qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, hoạt động nhân đạo và phong trào chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở về công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ có chuyển biến tích cực. Hoạt động của hội chữ thập đỏ các cấp ngày càng đa dạng, hiệu quả và thiết thực; khơi dậy tinh thần và tạo được phong trào sâu rộng trong nhân dân, huy động các nguồn lực tham gia công tác nhân đạo, từ thiện; nâng cao tính xã hội hóa của công tác nhân đạo, từ thiện cộng đồng; góp phần khắc phục hậu quả do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

ctd

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn phối hợp tổ chức hiến dịch hiến máu tình nguyện Lễ hội Xuân hồng - Chủ Nhật đỏ năm 2023

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội chữ thập đỏ các cấp có mặt, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác từ thiện, nhân đạo có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thống nhất. Năng lực tham mưu tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực, hoạt động của một số cấp hội có mặt còn hạn chế; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ở một số cơ sở còn chậm; phong trào chữ thập đỏ phát triển chưa đồng đều, nhất là ở vùng khó khăn. Đội ngũ cán bộ hội ở huyện, cơ sở đa số là người cao tuổi, trình độ, năng lực, kỹ năng nghiệp vụ có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác xây dựng quỹ hội, hội phí và xã hội hóa công tác từ thiện, nhân đạo ở một số địa bàn, đơn vị chưa cao.

Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác nhân đạo và hoạt động của hội chữ thập đỏ các cấp trong tình hình mới

Tổ chức quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TW, Kết luận 44-KL/TW và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nhân đạo nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, hội chữ thập đỏ các cấp và nhân dân về công tác nhân đạo, từ thiện.

Xác định công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị. Lãnh đạo, chỉ đạo hội chữ thập đỏ các cấp trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW, Kết luận 44-KL/TW; bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt hội chữ thập đỏ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tiếp tục triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo, đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Nêu cao tinh thần gương mẫu, tích cực của cán bộ, công chức, đảng viên trong thực hiện công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; các cơ quan truyền thông, báo chí tích cực tuyên truyền, cổ vũ gương người tốt, việc thiện trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái; nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong hoạt động nhân đạo gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo, từ thiện

Chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các cấp hội chữ thập đỏ; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thường xuyên rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tinh gọn các đầu mối thực hiện nhiệm vụ nhân đạo, từ thiện theo Kế hoạch số 132-KH/TU, ngày 11/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Thông báo kết luận số 158-TB/TW, ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Kết luận 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới; bố trí nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp hội chữ thập đỏ hoạt động hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hội, nhất là cấp cơ sở có trình độ, năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, uy tín, tinh thần trách nhiệm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Đẩy mạnh công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.

3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội chữ thập đỏ các cấp

Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, tính chuyên nghiệp, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội; tập trung phát triển hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên chữ thập đỏ trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư... Phát huy vai trò các câu lạc bộ, tổ, đội xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động nhân đạo; mỗi hội viên, tình nguyện viên là hạt nhân tích cực, gương mẫu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động; xây dựng quỹ hội, thu hội phí hội viên nhằm tạo nguồn lực tại chỗ đáp ứng kịp thời trong hoạt động nhân đạo.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội chữ thập đỏ các cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào và công tác nhân đạo, từ thiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ an sinh xã hội và thực tiễn địa bàn, đơn vị; hướng mạnh về cơ sở, lấy con người làm trung tâm; kết hợp giữa giúp đỡ trực tiếp, trước mắt với hỗ trợ lâu dài về sinh kế; mở rộng phạm vi giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần; lan tỏa sâu rộng truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, giá trị nhân văn của công tác chữ thập đỏ. Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của hội cấp dưới, định kỳ báo cáo kết quả công tác chữ thập đỏ, hoạt động nhân đạo với cấp ủy, chính quyền cùng cấp.

4. Đẩy mạnh phối hợp hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo

Hội Chữ thập đỏ phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị, nhất là trong thực hiện các chương trình phối hợp đã ký kết để thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội trên địa bàn; tích cực tham gia 03 chương trình mục tiêu quốc gia “xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến các đối tượng khó khăn, yếu thế...

Tăng cường tuyên truyền, vận động, thu hút đông đảo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia hoạt động chữ thập đỏ, phong trào nhân đạo, từ thiện.

Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với hoạt động chữ thập đỏ, phân bổ nguồn lực tài trợ, giúp đỡ... bảo đảm đúng quy định, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo niềm tin đối với các nhà tài trợ và đối tượng thụ hưởng.

Ban Biên tập

About