Skip to main content

Phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024

Trong những ngày đầu năm mới 2024, với niềm tin, khí thế mới của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân khi tỉnh nhà đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng Đảng. Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã dành cho Báo Lạng Sơn một cuộc phỏng vấn trao đổi về những kết quả đạt được trong năm 2023.

9

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng quà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, năm 2023, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp. Xin đồng chí chia sẻ với độc giả những thành tựu nổi bật của Đảng bộ tỉnh trong năm 2023?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Nhìn lại chặng đường năm 2023 đã qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn đan xen, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã đoàn kết, thống nhất, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, dự báo, đánh giá đúng tình hình, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện của tỉnh, thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Trong đó, có một số kết quả nổi bật sau:

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tốt. Đảng bộ tỉnh chú trọng đổi mới, chỉnh đốn đảng, tăng cường “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng hướng về cơ sở; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh.

Công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên luôn được Đảng bộ quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đã được tăng cường, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm và có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa, phát hiện vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Công tác cán bộ được thực hiện đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng quy trình, quy định; đồng bộ các khâu từ đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng cán bộ. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 77-NQ/TU, ngày 25/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân công cấp ủy viên, lãnh đạo, quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình. Chỉ đạo, tổ chức đồng bộ trong toàn đảng bộ tỉnh tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tổ chức thành công chương trình đón và làm việc với các đoàn công tác của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với tỉnh, đặc biệt là chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương với Tỉnh ủy Lạng Sơn. Phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu Đề tài khoa học về nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; tháng 12/2023, tổ chức thành công Hội thảo “Phát huy sức mạnh của Nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ thực tiễn của tỉnh Lạng Sơn”.

Kinh tế phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,0%, GRDP bình quân đầu người đạt 59,8 triệu đồng. Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình đạt 51.990,563 triệu USD, tăng 81,84% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu hút đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp và mạng lưới giao thông được tập trung đẩy mạnh, đạt kết quả cao. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, tăng 762,9% so với cùng kỳ. Đặc biệt là đã thu hút đầu tư Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn (6.361,3 tỷ đồng), 4 cụm công nghiệp, nâng tổng toàn tỉnh có 7 cụm công nghiệp. Đặc biệt là đã khởi công 143 dự án, công trình giao thông (quy mô từ đường xã trở lên), trong đó các dự án giao thông quan trọng kết nối liên vùng giữa tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh đã và đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, gồm: nâng cấp Km18 – Km80, Quốc lộ 4B (tổng vốn đầu tư 2.296 tỷ đồng, khởi công ngày 28/12/2023) và đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18, địa phận tỉnh Lạng Sơn (tổng vốn đầu tư 339 tỷ đồng).

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, năm 2023 đã thành lập mới 762 doanh nghiệp, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng vốn đăng ký 7.171 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022; lần đầu tiên tỉnh Lạng Sơn hoàn thành và vượt chỉ tiêu đăng ký thành lập mới 500 doanh nghiệp/năm.

Lĩnh vực chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đạt kết quả cao: Chỉ số chuyển đổi số – DTI tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 5 toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ xử lý dịch vụ công trực tuyến toàn trình; là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng thuộc hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”.

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh và các huyện đạt loại xuất sắc. Các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài cơ bản được giải quyết, không để hình thành các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự.

Hoạt động đối ngoại được tăng cường mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ hợp tác với các địa phương, đối tác truyền thống, các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tiếp tục được duy trì, phát triển và mở rộng. Trong năm 2023 có 51 đoàn/375 lượt cán bộ, công chức đi thăm, làm việc, tham dự hội nghị, triển lãm tại 8 nước (tăng 920% số đoàn/607% lượt so với năm 2022); 92 đoàn/545 lượt người nước ngoài mang quốc tịch của 11 nước đến làm việc tại tỉnh (tăng 84% số đoàn/273% lượt so với năm 2022); qua đó, đã ký kết 19 thoả thuận hợp tác quốc tế. Đặc biệt là quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc được tăng cường, thúc đẩy đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, tổ chức thành công các chương trình gặp gỡ trao đổi đoàn cấp Bí thư, Chủ tịch hai Tỉnh – Khu; trong năm, đã tổ chức 40 đoàn ra, có 26 đoàn vào và ký kết 16 thoả thuận quốc tế.

6

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khảo sát thực tế khu vực dân cư thôn Kéo Lày, xã Đề Thám, huyện Tràng Định

Có được những kết quả nổi bật trên, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân trong cả nước; đặc biệt là cả hệ thống chính trị, toàn thể Nhân dân, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chung sức, đồng lòng để tạo nên những thành tích quan trọng trong năm 2023 vừa qua.

Phóng viên: Có thể thấy rằng, trong năm 2023, các định hướng quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII tiếp tục được cụ thể hóa và triển khai hiệu quả ở các cấp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá như thế nào về những bước đi này?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025).

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) xác định: Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường quốc phòng – an ninh, đối ngoại, bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Chương trình hành động, tập trung vào 7 chương trình công tác trọng tâm và 3 khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đồng thời, xây dựng và ban hành nhiều văn bản để thực hiện các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Mặc dù còn có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020 – 2025 và dự kiến sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn luôn bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của tỉnh, luôn coi trọng tổng kết thực tiễn, nâng tầm lý luận, kiên định, đổi mới, kế thừa và phát triển, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, quyết liệt, hiệu quả; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành nghị quyết về phân công cấp ủy viên, lãnh đạo, quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình theo phương châm: “Tỉnh nắm đến xã, huyện nắm đến thôn, xã nắm đến hộ gia đình”; “cấp ủy cấp tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy cấp huyện nắm đến chi bộ, đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”.

Để đạt được kết quả tích cực, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nắm vững chủ trương, quan điểm, mục tiêu phát triển của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, bài bản, quyết liệt, sâu sát, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; đánh giá đầy đủ, khách quan, sát thực những tiềm năng, thế mạnh, những khó khăn, thách thức, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi.

Qua một nửa chặng đường của nhiệm kỳ, đến nay tỉnh Lạng Sơn đã đạt 5/20 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Những kết quả trên là nền tảng vững chắc, là động lực to lớn, cơ sở quan trọng tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Dự báo đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh Lạng Sơn sẽ đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Có thể khẳng định, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ các cấp, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã lãnh đạo chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật. Những kết quả đó là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quyết tâm, nỗ lực lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh giành được kết quả to lớn hơn nữa, đưa tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Phóng viên: Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ngày 25/8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 5 vấn đề mà Đảng bộ Lạng Sơn cần thực hiện trong thời gian tới. Trong năm 2024, Đảng bộ tỉnh sẽ có những giải pháp gì để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, thưa đồng chí?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Năm 2024 có vai trò đặc biệt quan trọng, là năm “tăng tốc và bứt phá”, quyết định đến việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025). Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn năm 2023 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Quán triệt sâu sắc và đẩy mạnh triển khai tổ chức thực hiện những định hướng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình, Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát và xác định mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ trách nhiệm, trí tuệ, chung sức, đồng lòng vì sự phát triển của tỉnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ năm 2024 với một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị. Thực hiện hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. Phát huy tốt vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. Trong đó, hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn và thực hiện cho bằng được các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi bộ, các tổ chức chính trị – xã hội và những người tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố. Đây là nhiệm vụ có tính chiến lược, then chốt của Đảng, của tỉnh Lạng Sơn trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhanh và bền vững.

Hai là, tăng cường đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp. Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng triển khai ngay sau khi Trung ương có chỉ thị về tổ chức đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Ba là, thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại với dân và giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời qua đó phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, trong công tác cán bộ để kịp thời kiến nghị bổ sung, hoàn chỉnh, đồng thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chủ động thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kịp thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia được phê duyệt. Thực hiện quyết liệt các giải pháp phấn đấu thu đạt và vượt dự toán ngân sách nhà nước. Tập trung cao độ, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các chương trình, đề án về phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án, nhất là dự án trọng điểm của tỉnh, dự án có tính chất kết nối liên vùng. Triển khai Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với ngành, lĩnh vực, danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh, khẩn trương lựa chọn các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã cho chủ trương xây dựng.

Năm là, quan tâm toàn diện lĩnh vực văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa ở những nơi có điều kiện; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh. Quản lý, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 và các ngày lễ lớn của đất nước. Tổ chức cho Nhân dân đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bảo đảm vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm theo tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Sáu là, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đối ngoại địa phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm kéo giảm tội phạm và tai nạn giao thông theo chỉ tiêu đã đề ra. Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Duy trì hiệu quả các hoạt động giao lưu, hợp tác với Quảng Tây và các địa phương của Trung Quốc; thúc đẩy mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác truyền thống của tỉnh và các đối tác tiềm năng khác, các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài…

Một mùa xuân mới đang về với quê hương Lạng Sơn. Trong không khí phấn khởi, mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước, quê hương đổi mới, mừng Xuân Giáp Thìn 2024, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, với lòng tự hào và khát vọng vươn lên, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã dành cho Báo cuộc phỏng vấn đầu Xuân!

10 sự kiện và kết quả nổi bật năm 2023 (Do Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá)

8

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong dịp về thăm và làm việc với tỉnh Lạng Sơn, ngày 25/8/2023

1.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Đoàn công tác Trung ương thăm và làm việc với tỉnh Lạng Sơn

Tổ chức thành công chương trình đón và làm việc với 14 đoàn công tác của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với tỉnh (Đoàn của đồng chí Tổng Bí thư, 5 đoàn của Uỷ viên Bộ Chính trị, 1 đoàn của Bí thư Trung ương Đảng, 7 đoàn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Đặc biệt là chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương với Tỉnh ủy Lạng Sơn, gồm nhiều nội dung quan trọng như: Nghe tỉnh báo cáo tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp của tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020 – 2025; thăm hỏi động viên các vị lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; thăm hoạt động của cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cùng Đại sứ Trung Quốc trồng cây đa Hữu nghị, chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư tại Lạng Sơn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn tỉnh, được dư luận cả nước và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc quan tâm.

2.Quyết định công bố ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn và công bố Kết luận của Bộ Chính trị công nhận đồng chí Lương Văn Tri – người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn được tổ chức bài bản, lan toả rộng khắp với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt tỉnh đã tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (15/6/1933 – 15/6/2023), gắn với công bố Kết luận của Bộ Chính trị công nhận đồng chí Lương Văn Tri – người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử tiêu biểu của tỉnh, ghi dấu quê hương Xứ Lạng có những người con ưu tú là đồng chí Hoàng Văn Thụ, đồng chí Lương Văn Tri được Bộ Chính trị công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

3.Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên các cấp, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét

Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm, chú trọng, trong đó điểm nhấn là việc tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, tập trung hướng về cơ sở, triển khai sâu rộng thực hiện Nghị quyết số 77-NQ/TU, ngày 25/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân công cấp ủy viên, lãnh đạo, quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình. Chỉ đạo, tổ chức đồng bộ trong toàn đảng bộ tỉnh tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Chỉ đạo 100% tổ chức cơ sở đảng tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi các cấp và tổ chức thành công Hội thi cấp tỉnh, thu hút 1.474 bí thư, phó bí thư chi bộ đại diện cho 3.707 chi bộ tham gia. Hội thi thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Phát triển đảng viên mới vượt chỉ tiêu (kết nạp 2.177 đảng viên, tăng 8,85% so với chỉ tiêu của tỉnh, tăng 1,27% so với 2022).

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đã được tăng cường, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm và có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa, phát hiện vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, cả năm đã kiểm tra 1.287 tổ chức đảng và 4.492 đảng viên (có 911 cấp ủy viên, tăng 45,04% đảng viên so với năm 2022), trong đó, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 123 tổ chức đảng và 386 đảng viên (có 234 cấp ủy viên, tăng 123,62% tổ chức đảng và 129,76% đảng viên so với năm 2022). Giám sát 794 tổ chức đảng và 1.673 đảng viên (trong đó có 1.019 cấp ủy viên, tăng 5,03% tổ chức đảng và 8,21% đảng viên so với năm 2022). Thi hành kỷ luật đảng đối với 16 tổ chức đảng và 346 đảng viên (tăng 300% tổ chức và 47,86% đảng viên so với năm 2022).

4.Công tác cán bộ được đặc biệt quan tâm

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 116-NQ/TU và Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 04/7/2023 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; làm cơ sở để triển khai thực hiện công tác cán bộ các cấp một cách đồng bộ, thông suốt, nhất quán. Hoàn thành công tác rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 (2021 – 2026) và nhiệm kỳ 2025 – 2030 (2026 – 2031) năm 2023; giới thiệu 2 nhân sự để Trung ương xem xét quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 – 2031; thực hiện quy trình công tác cán bộ bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng quy trình, quy định đối với 102 trường hợp diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

5.Thu hút đầu tư và phát triển mạng lưới giao thông được tập trung đẩy mạnh và đạt kết quả cao

Thu hút đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp và mạng lưới giao thông được tập trung đẩy mạnh, đạt kết quả cao. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, tăng 762,9% so với cùng kỳ. Đặc biệt là đã thu hút đầu tư Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn (6.361,3 tỷ đồng), 4 cụm công nghiệp, nâng tổng toàn tỉnh có 7 cụm công nghiệp; đã khởi công 143 dự án, công trình giao thông (quy mô từ đường xã trở lên), trong đó các dự án giao thông quan trọng kết nối liên vùng được đẩy nhanh tiến độ thi công, gồm: nâng cấp Km18 – Km80, Quốc lộ 4B (tổng vốn đầu tư 2.296 tỷ đồng, khởi công ngày 28/12/2023) và đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18, địa phận tỉnh Lạng Sơn (tổng vốn đầu tư 339 tỷ đồng).

6.Hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng mạnh

Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình đạt 51.990,563 triệu USD, tăng 81,84% so với  năm 2022; riêng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa mở tờ khai Hải quan tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 4.975 triệu USD, đạt 130,9% kế hoạch, tăng 62,6% so với năm 2022, trong đó xuất khẩu đạt 2.750 triệu USD, đạt 211,5% kế hoạch, tăng 168,8% so với năm 2022; nhập khẩu đạt 2.225 triệu USD, đạt 89% kế hoạch, tăng 9,2% so với năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2023 bình quân tăng 19,4% (tăng 0,6% so với mục tiêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 25/6/2021), trong đó xuất khẩu tăng bình quân 30,8% (tăng 4,7% so với mục tiêu Nghị quyết), kim ngạch hàng địa phương tăng bình quân 9,1% (tăng 1,1% so với mục tiêu Nghị quyết).

7.Thành lập doanh nghiệp mới tăng đột phá

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, hết năm 2023 đã thành lập mới 762 doanh nghiệp, tăng 56% so với năm 2022, với tổng vốn đăng ký 7.171 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 4.270 doanh nghiệp, 785 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Có 42,1% doanh nghiệp, hợp tác xã phát sinh doanh số, khoảng 35.227 tỷ đồng; các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 581 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022. Năm 2023 lần đầu tiên tỉnh Lạng Sơn hoàn thành và vượt chỉ tiêu đăng ký thành lập mới 500 doanh nghiệp/năm.

8.Các lĩnh vực chuyển đổi số đứng trong tóp đầu cả nước

Lĩnh vực chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đạt kết quả cao: Chỉ số chuyển đổi số – DTI tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố (Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ số chuyển đổi số, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố); đứng thứ 5 toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ xử lý dịch vụ công trực tuyến toàn trình; là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng thuộc hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Hiện nay UBND tỉnh đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 – 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 – 1089 thuộc cặp cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị (Việt Nam) – Hữu nghị quan (Trung Quốc).

9.An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh và diễn tập phòng thủ các cấp nhiều đổi mới, sáng tạo đạt kết quả xuất sắc

Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh và các huyện đạt loại xuất sắc. Các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài cơ bản được giải quyết, không để hình thành các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự. Các loại tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế (tội phạm hình sự giảm 7,89% so với năm 2022). Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt cao (93,14%), án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. Trong đó, đã tập trung điều tra, khám phá các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo, được quần chúng Nhân dân đánh giá cao. Hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội được nâng cao. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc xây dựng lực lượng Công an thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhất là nâng cao trình độ, năng lực của Công an cấp xã, góp phần cải thiện rõ rệt công tác bảo đảm an ninh trật tự ngay tại cơ sở.

10.Hoạt động đối ngoại được tăng cường mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng

Quan hệ hợp tác với các địa phương, đối tác truyền thống, các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tiếp tục được duy trì, phát triển và mở rộng. Trong năm 2023 có 51 đoàn/375 lượt cán bộ, công chức đi thăm, làm việc, tham dự hội nghị, triển lãm tại 8 nước (tăng 920% số đoàn/607% lượt so với năm 2022); 92 đoàn/545 lượt người nước ngoài mang quốc tịch của 11 nước đến làm việc tại tỉnh (tăng 84% số đoàn/273% lượt so với năm 2022). Qua đó, đã ký kết 19 thoả thuận hợp tác quốc tế (16 thoả thuận với Quảng Tây, Trung Quốc; 2 thỏa thuận với Hàn Quốc; 1 thỏa thuận với Ấn Độ).

Đặc biệt là quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc được tăng cường, thúc đẩy đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, tổ chức thành công các chương trình gặp gỡ trao đổi đoàn cấp Bí thư, Chủ tịch hai Tỉnh – Khu. Trong năm, đã tổ chức 40 đoàn ra, có 26 đoàn vào và ký kết 16 thoả thuận hợp tác quốc tế. Các thỏa thuận này đều nhằm cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước, đặc biệt là tại chuyến thăm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm 2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào cuối năm 2023.

Nguồn: baolangson.vn

About