Skip to main content

Những kết quả nổi bật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Năm 2023 là năm đầu triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023), trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động (trong đó quy định về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc). Các cấp, các ngành đã ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện với mục đích nhằm cụ thể nội dung công việc, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai, thi hành Luật, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Xác định trách nhiệm, cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật trên phạm vi toàn tỉnh. Từ đó, nâng cao nhận thức về các nội dung Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc thi hành thực hiện dân chủ ở cơ sở đạt được những kết quả nổi bật sau:

Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện công khai những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương có liên quan trực tiếp với Nhân dân; chính quyền cấp xã đã thực hiện tốt quy chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định; thực hiện có hiệu quả các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà ở, xóa đói giảm nghèo… góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở. Duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện thiện cấp cơ sở năm 2023”.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa” ở các xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đặc biệt, chú trọng đến các thủ tục hành chính lĩnh vực chứng thực, xác nhận của chính quyền cấp xã…Công tác tiếp dân, đối thoại của cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được thực hiện theo định kỳ và tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân kết quả: Cấp xã (Chủ tịch, PCT UBND): Tiếp dân 1.996 lượt, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2022 (1.996/2.513 lượt). Qua đó, đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, thực hiện chế độ tự quản ở khu dân cư được thành lập theo đúng quy trình hướng dẫn và Luật Thanh tra về cơ cấu tổ chức, đã làm tốt vai trò giám sát hoạt động như: việc thực hiện chính sách pháp luật, việc giải quyết khiếu nại tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở… góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đến nay, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã xây dựng quy ước, hương ước; 100% khu dân cư có Tổ hòa giải; 200/200 xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Thanh tra nhân dân. Kết quả các Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát được 282 cuộc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được 326 cuộc; tổng số vụ hoà giải là 2011, hoà giải thành 1514 vụ việc, đạt tỷ lệ 75,28%.

1

Ban GSĐTCĐ phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn giám sát công trình cải tạo mặt đường bê tông ngõ 34 đường Bà Triệu

Thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị

Ngay từ đầu năm, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị theo quy định. 100% cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; 100% công đoàn cơ sở đã bầu được ban thanh tra nhân dân theo quy định. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã nêu cao trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện quy chế dân chủ. Từ đó, công chức, viên chức, người lao động đã chủ động, sáng tạo, đổi mới hình thức, biện pháp tham mưu thực hiện nhiệm vụ được giao; tích cực đề xuất các giải pháp, sáng kiến trong thực thi công vụ. Việc thực hiện dân chủ gắn với thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy đối với các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn, rà soát, triển khai sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn và giảm đầu mối tổ chức bên trong, loại bỏ những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Năm 2023, giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính 2.040 biên chế (giảm 26 biên chế so với năm 2022); số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập: 21.404 (giảm 350 người so với năm 2022); 150 trường hợp tinh giản biên chế trong năm 2023.

9

Công chức Bộ phận “một cửa” Sở NN& PTNN giải đáp vướng mắc cho người dân về quy trình thực hiện TTHC

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt danh mục cắt giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của 14 ngành với tổng số 73 thủ tục hành chính, tổng số thời gian cắt giảm 532,3/1.435,2 ngày, tỷ lệ cắt giảm đạt 37%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã triển khai cung cấp 1.439 dịch vụ công trực tuyến trong đó: 422 DVCTT một  phần (đạt 29,3%) và 1.017 DVCTT toàn trình (đạt 70,7%). Còn 344 dịch vụ công chưa cung cấp trực tuyến do chưa đáp ứng điều kiện triển  khai dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 74,75%, tăng 3,75% so với năm 2022. Tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) Năm 2022, chỉ số PCI tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 21 bậc so với năm 2021; chỉ số PAPI xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PAR INDEX xếp hạng 54/63 tỉnh, thành phố; chỉ số SIPAS xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice) triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

10

Lãnh đạo tỉnh tiếp công dân thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, Tỉnh Lạng Sơn

Công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng quy định, đúng thẩm quyển. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 4.124 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và đề đạt nguyện vọng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022 (4.124/4.209 lượt). Nội dung công dân kiến nghị, đề xuất chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án; việc thực hiện các chính sách xã hội...; tiếp nhận 4.483 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, giảm 3,83% so với năm 2022 (4.483 đơn/4.662 đơn); trong đó có 331 đơn khiếu nại, tố cáo, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022 (331 đơn/382 đơn), số đơn KN, TC thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp là 176 đơn (156 đơn khiếu nại, 20 đơn tố cáo); đã giải quyết 153 đơn/176 đơn, đạt tỷ lệ 86,9%.

Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động

Ban Chấp hành công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động và các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong đoàn viên, CNVCLĐ. Công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động, thông qua hội nghị các doanh nghiệp thực hiện công khai phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động; bàn biện pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đánh giá việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, chế độ bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quy chế về tiền lương, tiền thưởng, quy chế an toàn vệ sinh lao động, nội quy lao động, quy chế sử dụng các quỹ phúc lợi, khen thưởng và các chỉ tiêu liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động. Thường xuyên bổ sung, sửa đổi, các quy chế, quy định cho phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Xem xét, giải quyết kịp thời kiến nghị, đề xuất của người lao động… Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 141 công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, trong đó tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đủ điều kiện tổ chức Hội nghị người lao động là 104 đơn vị. Kết quả, số doanh nghiệp, đơn vị đã tổ chức được Hội nghị người lao động là 95/104 đạt 91,3% (đạt 115,9% so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn đề ra, 82 doanh nghiệp hội nghị); thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể là 97/104 đạt 93,3% (trong đó 03 đơn vị ký mới, đạt 100% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao); các doanh nghiệp đã tổ chức được 182 cuộc đối thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc (104 doanh nghiệp tổ chức đối thoại, đạt 102% so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao). Có 76,3% Công đoàn cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung bữa ăn ca của người lao động, với 2.674 người lao động được hưởng chế độ ăn ca. Trong năm, đã có 07 đơn vị thương lượng điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca (đạt 100% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao), 100% đơn vị tổ chức ăn ca với mức 22.000 đồng/bữa trở lên.

Thời gian tới, để việc thực hiện dân chủ ở cơ sở bảo đảm thực chất, thiết thực, hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Hương Quỳnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy

 

 

 

About