Skip to main content

Hương ước, quy ước : “Cánh tay nối dài” của pháp luật

Từ nhiều đời nay, mỗi thôn, tổ dân phố (TDP) đều có hương ước, quy ước (HƯQƯ) được lưu truyền và thay đổi theo thời gian, phù hợp với tình hình thực tế  và không trái với quy định của pháp luật.  Việc xây dựng và thực hiện HƯQƯ đã góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân.

Có gần 2 km giáp biên với Trung Quốc, thôn Khuổi Tát, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc đã đưa nội dung về bảo vệ đường biên, cột mốc vào hương ước của thôn, được UBND huyện công nhận và thực hiện từ năm 2015 đến nay. Ông Lý Văn Cò, Bí thư, Trưởng thôn Khuổi Tát cho biết: Trong hương ước của thôn có Điều 16 về “Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới” yêu cầu tất cả các hộ tham gia giữ gìn, bảo vệ biên giới. Nhờ có quy định này đã góp phần nâng cao ý thức của Nhân dân, 100% hộ giáp biên ký cam kết bảo vệ đường biên,  hạn chế tình trạng người dân vượt biên trái phép. Năm 2022, thôn lấy ý kiến để sửa đổi hương ước nhưng nội dung về bảo vệ biên giới được giữ lại.

qcdc

Bí thư, khối trưởng khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền người dân thực hiện hương ước của khối

Bản hương ước với 7 chương, 19 điều của khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn được Nhân dân đồng thuận thực hiện và được UBND thành phố công nhận từ năm 2020. Chị Hứa Thị Tình, khối 8, phường Đông Kinh cho biết: Hương ước của khối được thảo luận công khai, dân chủ, thống nhất cao trong cộng đồng dân cư. Mỗi gia đình đều được phát bản sao hương ước để theo dõi, thực hiện. Các quy định trong hương ước góp phần giúp chúng tôi nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Ví dụ như về đảm bảo an ninh trật tự; đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, khai báo tạm trú tạm vắng; an toàn giao thông…

Trên đây chỉ là hai ví dụ về thực hiện HƯQƯ gắn với các quy định của pháp luật. Hiện nay, 100% thôn, TDP trên địa bàn tỉnh đều xây dựng và thực hiện HƯQƯ. Nội dung HƯQƯ đề cập đến nhiều vấn đề, chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân. Trong đó, vai trò “cánh tay nối dài” của pháp luật thể hiện rõ nhất ở việc HƯQƯ đã đề ra các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự trong thôn, tổ dân phố; vận động Nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng. Hay tuyên truyền Nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch, cư trú; an toàn giao thông và các chính sách khác như: bảo vệ và phát triển rừng, dân số, gia đình, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nếp sống văn hóa, thực hiện dân chủ cơ sở…

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về HƯQƯ, sở đã chú trọng hướng dẫn các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, kiểm tra nội dung HƯQƯ đang thực hiện để có điều chỉnh, thay đổi phù hợp. Hằng năm, sở đã tiến hành in các tài liệu hướng dẫn về xây dựng, thực hiện HƯQƯ và tổ chức bồi dưỡng, tuyên truyền về xây dựng, thực hiện HƯQƯ cho cán bộ phòng văn hóa và thông tin các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND, cán bộ văn hóa – xã hội các xã, phường, thị trấn và trưởng thôn, TDP.

Theo đó, hằng năm chính quyền cơ sở đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra HƯQƯ. Qua kiểm tra, rà soát đã kịp thời phát hiện những nội dung chưa phù hợp, trái pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền chỉnh sửa cho phù hợp. HƯQƯ cũng được sửa đổi, bổ sung theo nguyện vọng của Nhân dân. Từ năm 2018 đến nay, do việc đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính các thôn, khối phố, xã, thị trấn nên số lượng thôn, TDP thay đổi từng năm, chính quyền cơ sở đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các bản HƯQƯ; đồng thời, trình cấp có thẩm quyền ra quyết định sửa đổi, bổ sung, thay thế hơn 1.800 HƯQƯ chưa phù hợp.

Có thể nói, HƯQƯ là “cánh tay nối dài” của pháp luật, thông qua việc thực hiện HƯQƯ đã góp phần thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đơn cử năm 2021, toàn tỉnh có 1.398/1.705 thôn, TDP đạt khu dân cư văn hóa, đạt 82% (tăng 3,8% so với năm 2020); các cơ quan chức năng đã khởi tố mới 864 vụ, 1.675 bị can (giảm 123 vụ,53 bị can so với năm 2020)…

“Việc xây dựng và thực hiện HƯQƯ cũng là một hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp. Hiện nay, 100% các bản HƯQƯ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và bảo vệ các phong tục, tập quán tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc, có sự tham gia phối hợp thẩm định của phòng tư pháp trước khi trình UBND cấp huyện phê duyệt công nhận. Việc tổ chức thực hiện tốt HƯQƯ tại các thôn, TDP sẽ góp phần tích cực phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở”.

Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp

(Nguồn: baolangson.vn)

About