Skip to main content

Đổi mới công tác nắm tình hình Nhân dân, tham mưu và tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở

Công tác nắm tình hình nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng của công tác dân vận, góp phần phục vụ công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nói chung và nhiệm vụ công tác dân vận nói riêng. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã coi việc nắm bắt lòng dân (tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân) là một trong những việc quan trọng hàng đầu nhằm đề ra các chủ trương, đường lối cách mạng phù hợp với lòng dân.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc vun đắp mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân Người nói: “Nước lấy dân làm gốc”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận, có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”. Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã luôn coi trọng công tác dân vận, đặc biệt là việc nắm bắt tình hình nhân dân. Qua đó, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân. Ban Dân vận, MTTQ, các tổ chức chính tri-xã hội các cấp đã có nhiều cố gắng từng bước đổi mới nội dung, phương thức nắm tình hình nhân dân theo hướng thiết thực, sát với thực tiễn cuộc sống, phối hợp tham mưu và tham gia giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh ở cơ sở như trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ( 2019-2021); công tác dân vận trong tham gia giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh như: Khu đô thị mới Mai Pha; Dự án Hồ chứa nước Bản Lải thuộc địa bàn huyện Lộc Bình và huyện Đình Lập; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700 đến Km18), tỉnh Lạng Sơn; Khu trung chuyển hàng hóa thuộc khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; Tuyến cao tốc Hữu Lũng - Chi Lăng; Dự án Khách sạn, sân golf Hoàng Đồng - Lạng Sơn; Dự án Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn ....; Cùng với đổi mới nội dung, phương thức nắm tình hình nhân dân thông qua các kênh trực tiếp và gián tiếp, với sự phát triển rộng rãi của công nghệ thông tin, đặc biệt là việc sử dụng internet như lập các nhóm Zalo, Fanpage, các trong thông tin điện tử đã giúp cho quá trình tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng nhanh hơn, kịp thời hơn từ đó giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

5

Người dân xã Mai Pha, Tp Lạng Sơn tìm hiểu đồ án quy hoạch KĐT mới Mai Pha

Với những việc làm hết sức cụ thể của cấp ủy, chính quyền như tiếp công dân, đối thoại và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thực hiện tiếp công dân định kỳ 36 kỳ, tiếp 83 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị, tố cáo, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định; Bí thư các huyện ủy, thành ủy tiếp 321 cuộc; cấp xã, phường, thị trấn tiếp 3.772 cuộc. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tiếp 3.683 buổi với 3.932 lượt công dân . Thực hiện Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân cấp huyện, thành phố đã tổ chức 93 hội nghị đối thoại với 4.633 ý kiến, kiến nghị được người đứng đầu trả lời trực tiếp, giao cho các phòng, ban trả lời trực tiếp với nhân dân hoặc nghiên cứu trả lời nhân dân bằng văn bản về lĩnh vực phụ trách; 1.542 hội nghị cấp xã, phường, thị trấn với 15.705 ý kiến, kiến nghị, khoảng 85 - 90% ý kiến được giải quyết ngay tại hội nghị, khoảng 10 - 15% ý kiến chuyển lên cấp uỷ, chính quyền, các phòng, ban chức năng của huyện, thành phố trả lời, giải quyết. Từ năm 2013 đến tháng 6/2023 cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 25.732 lượt công dân; giải quyết được 1.605/1.615 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, đạt tỷ lệ 99,38%. 

 

Description: A dam with a river in the middle

Description automatically generated with medium confidence

 Đập và Hồ chữa nước Bản Lải, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian qua công tác nắm tình hình nhân dân vẫn còn những hạn chế như: có lúc, có việc chậm lãnh đạo, chỉ đạo, dự báo, giải quyết sớm những mâu thuẫn, bức xúc ở cơ sở nên còn có tình trạng khiếu kiện tập trung đông người; Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị chưa chặt chẽ; Công tác tiếp dân, đối thoại với công dân có nơi còn hình thức, hiệu quả đạt được còn thấp.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là do công tác nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, đoàn viên, hội viên, các giai tầng xã hội chưa kịp thời; nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, liên quan nhiều đến lợi ích như về đất đai, chế độ, chính sách; thiếu phương pháp nắm bắt và dự báo đầy đủ tình hình nhân dân và các giải pháp đồng bộ trong tuyên truyền vận động và tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng giải quyết dứt điểm những bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở. Chưa ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong nắm tình hình hình, phân tích, dự báo tình hình Nhân dân, các vấn đề tiềm ẩn yếu tố phát sinh ở cơ sở để có tham mưu, đề xuất kịp thời…Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế mở rộng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội; nhiều thông tin giả, không chính xác, cực đoan, kích động. Trong bối cảnh đó, phương thức nắm tình hình nhân dân không đổi mới, phù hợp sẽ khó đạt được hiệu quả mong muốn.

Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác nắm tình hình nhân dân, tham mưu và giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, góp phần thực hiện hiệu quả các Đề án, Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình nhân dân như sau:

Một là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo, điều hành nắm tình hình nhân dân thực chất, hiệu quả cao hơn; làm chuyển biến nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nắm tình hình nhân dân trong thời kỳ mới.

Hai là, đa dạng các hình thức tập hợp, tuyên truyền, vận động, tương tác với người dân. Nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, nhất là các chính sách mới được ban hành; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng đất nước, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị thường xuyên sâu sát cơ sở, nâng cao hiệu quả nắm, đánh giá, dự báo tình hình các tầng lớp Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, các địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn các yếu tố phức tạp, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về chủ trương, giải pháp về công tác dân vận đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chính sách an sinh, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đời sống của nhóm người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, các dân tộc thiểu số ít người, đồng bào các dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao. Chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo.

Với niềm tin tưởng rằng, những giải pháp về đổi mới trong phương thức nắm tình hình nhân dân sẽ tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy đảng và của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên; tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

                                                                                        Ban Biên tập

About