Skip to main content

Công tác dân vận trong thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

8

Quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”; Nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo và triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lớn, phù hợp thực tiễn nhằm khơi dậy sức sáng tạo, tính tự chủ, phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại kết toàn dân tộc trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Điều này được thể hiện rất rõ ở một số nội dung chủ yếu như sau:

Một là, Tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sát với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn, Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm về phát huy sức mạnh của Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết để cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp.

6

Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy sức mạnh của Nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ thực tiễn của tỉnh Lạng Sơn” (Ảnh: baolangson.vn)

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của Nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật là Tỉnh đang triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Một số vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, trong điều kiện, miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lạng Sơn”, trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Thường trực Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy trực tiếp xuống 100% thôn, tổ dân phố để khảo sát, tổng kết thực tiễn tổ chức hoạt động của tổ chức và người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố. Qua đó, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức và cá nhân thực hiện công việc ở thôn, tổ dân phố. Kết quả đã ghi nhận và khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò “hạt nhân chính trị” của chi bộ, vai trò, vị trí tất yếu của các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.

6

Cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và Nhân dân chung sức làm đường giao thông nông thôn

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 77-NQ/TU, ngày 25/5/2022 về phân công cấp ủy viên, lãnh đạo quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình với phương châm “tỉnh nắm đến xã, huyện nắm đến thôn, xã nắm đến hộ gia đình; cấp ủy cấp tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy cấp huyện nắm đến chi bộ, đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”. Song song với đó là thực hiện phân công cấp uỷ viên các cấp định kỳ dự sinh hoạt chi bộ tại khu dân cư; thực hiện nghiêm Quy định số 213/QĐ-TW về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú; bảo đảm khép kín và đã phát huy được vai trò của chi bộ là hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện, phát huy được vai trò của các tổ chức và quyền làm chủ Nhân dân trong tổ chức thực hiện và tham gia giám sát, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Hai là, Tỉnh tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn; các cơ chế, chính sách về liên kết vùng, phát triển đối với vùng nghèo, dân tộc thiểu số; về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ... Chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; thực hiện có hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư từ các chương trình, dự án, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa, Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu về cầu, đường giao thông, điện lưới, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, phát triển các chợ đầu mối, xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao tại các xã, cụm xã; sắp xếp ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển hạ tầng... Qua đó đã đạt được một số thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,11%; GRDP bình quân đầu người tăng từ 44,34 triệu đồng năm 2020 lên 59,8 triệu đồng năm 2023; Năm 2023 thu ngân sách ước đạt khoảng 7.280,7 tỷ đồng. Đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi, sản xuất nông nghiệp phát triển, đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, đa dạng về cây trồng, vật nuôi, nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các chính sách về trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tín dụng đã tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chính sách hỗ trợ về giáo dục tiếp tục được quan tâm. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú đúng chế độ, đối tượng. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai, 100% người nghèo và người dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 06 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ hộ có nhà tạm năm 2023 còn dưới 03%; tỷ lệ hộ nghèo theo từng giai đoạn giảm trung bình 03%/năm, hiện, còn 5,92%. Dự kiến hết năm 2023 có thêm ít nhất 04 xã và 24 thôn thuộc xã vùng I, II thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Hệ thống hạ tầng của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, góp phần nâng cao đời sống và giảm nghèo; đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện trên 99,8%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đạt 96,1%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80,5%. Toàn tỉnh có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54,1%; 22 xã nông thôn mới nâng cao, chiếm 22,4%; 04 xã nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 4,1%.; 116/200 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt 58%; có 170/200 xã có sân tập thể dục thể thao, đạt 85%; có 1.648/1.658 thôn, khối, phố có nhà văn hóa, chiếm 99,4%.

Ba là, Tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm tuyên truyền, vận động phải thường xuyên, liên tục và phải kiên trì chờ đợi sự đồng thuận của Nhân dân; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Nhân dân thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt chú trọng giám sát các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

6

Nhân dân huyện Lộc Bình phát biểu ý kiến tại Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện với Nhân dân tháng 11/2023

Đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và triển khai các quy chế, quy định, nhằm tạo cơ chế thiết thực để Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với cấp ủy, chính quyền các cấp để lắng nghe ý kiến của đoàn viên, hội viên và Nhân dân góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Nổi bật là: Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp thu góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính  quyền với Nhân dân. Đến nay, 100% cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh duy trì nền nếp việc tổ chức các hội nghị đối thoại với Nhân dân; 100% Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện đã phối hợp tổ chức các hội nghị phản biện xã hội đối với các văn bản của chính quyền cùng cấp; Hằng năm Chủ tịch UBND tỉnh đều tổ chức đối thoại trực tiếp với nông dân, thanh niên, phụ nữ...

Cùng với đó, hằng năm các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ tổ chức nền nếp “Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc” tại các khu dân cư bằng nhiều hình thức thiết thực và sinh động như: tổ chức trao nhà Đại đoàn kết; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Mặt trận các thời kỳ; tổ chức trồng cây xanh, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; biểu diễn văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia. Qua đó đã tạo được không khí phấn khởi và sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần đoàn kết, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

6

Nhân dân vui ngày hội "Đại đoàn kết" ở khu dân cư

Có thể khẳng định, với các chủ trương, giải pháp và cách làm như đã nêu để thể hiện rõ quan điểm của công tác dân vận luôn lấy “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, do vậy đã ngày càng khơi dậy và tạo được sự đồng thuận rất lớn trong Nhân dân, phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đem đến những thành công, nhất là trong thực hiện các chủ trương lớn, việc khó liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhân dân. Điển hình như trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực tham gia bầu cử đạt tỷ lệ 99,99% (đứng thứ hai cả nước), tại nhiều xã vùng dân tộc thiểu số, cử tri đi bầu cử đạt tỷ lệ 100% (như vùng đồng bào dân tộc Mông có đạo Tin lành ở huyện Bắc Sơn).  Hay như trong triển khai thực hiện Đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới tỉnh Lạng Sơn, sau 01 năm thực hiện đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng Nhân dân cùng chung tay, góp sức xây dựng được 122 đường kiểm tra cột mốc, tổng chiều dài gần 19,3km...

7

Chung tay xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới

Từ một số kết quả nổi bật nêu trên và thực tiễn triển khai thực hiện công tác dân vận trong thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Lạng Sơn rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, luôn xác định “cán bộ là gốc”, lựa chọn được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải thực sự có năng lực, trình độ, có phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân, để “làm cho Dân tin và tin Dân làm”.

Hai là, phải luôn quán triệt sâu sắc bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”; phát huy sức mạnh nhân dân; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự là các “quyết sách lòng dân”, xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân, kết hợp hài hòa các lợi ích;  lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phấn đấu.

Ba là, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo và nguồn lực trong Nhân dân; tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân; kịp thời giải quyết thấu đáo những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kiên trì thuyết phục để Nhân dân hiểu đúng về chủ trương, chính sách; từ đó, hướng dẫn, vận động Nhân dân tin và tích cực tham gia vào các quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách một cách hiệu quả nhất.

Năm là, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp, vận động quần chúng nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội nhất là đối với việc ban hành, thực thi các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân.

GTB

About