Skip to main content

Đình Lập: Điểm sáng công tác hòa giải ở cơ sở

Bằng những cách làm phù hợp, thiết thực, những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đình Lập đã đạt kết quả tích cực, là huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất tỉnh trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (2013 – 2023). Qua đó, góp phần củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, hạn chế khiếu kiện, tố cáo, đảm bảo an ninh trật tự.

5

Hòa giải viên (thứ 2 từ bên trái sang) thôn Còn Đuống, xã Đình Lập, huyện Đình Lập tuyên truyền pháp luật cho người dân

Đình Lập là huyện miền núi biên giới, có 12 đơn vị hành chính cấp xã, với dân số trên 30 nghìn người. Trong cuộc sống hằng ngày, việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các cá nhân trong cộng đồng, các thành viên trong gia đình, xóm làng là điều khó tránh khỏi. Những mâu thuẫn, tranh chấp đó nếu không được giải quyết thỏa đáng, kịp thời thì sẽ trở nên căng thẳng, phức tạp, thậm chí dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Do đó cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Đình Lập luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, huyện có 112 tổ hòa giải, với hơn 650 hòa giải viên, đảm bảo 100% thôn, tổ dân phố có tổ hòa giải hoạt động.

Ông Hoàng Văn Hội, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đình Lập cho biết: Xác định ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hằng năm. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở, kiện toàn, phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên, nhân rộng tổ hòa giải điển hình tiên tiến để góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.

Theo đó, ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu UBND huyện tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến luật kịp thời, sâu rộng cho đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải, Nhân dân thông qua hội nghị, các cuộc sinh hoạt chi hội, họp thôn, hệ thống loa truyền thanh, nhóm Zalo… Từ năm 2013 đến nay, toàn huyện tổ chức được trên 3.000 cuộc tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho hơn 20.000 lượt người nghe.

Trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (2013 – 2023), toàn huyện hòa giải thành 1.536/1.771 vụ việc hòa giải, đạt tỷ lệ 86,73%, cao nhất trong toàn tỉnh.

Vừa đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở, mỗi năm, UBND huyện Đình Lập phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 1 – 3 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho cán bộ quản lý nhà nước về công tác hòa giải, hòa giải viên theo chương trình khung và bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ Tư pháp phát hành, đảm bảo kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên.

Ông Hà Văn Ngọc, quyền Chủ tịch UBND xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập cho biết: Xã hiện có 7 thôn, bản, với 360 hộ dân, trên 1.600 nhân khẩu, 7 tổ hòa giải. Để thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, chúng tôi đã lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, gắn với những vấn đề về hòa giải ở cơ sở, được dư luận xã hội quan tâm. Hằng năm, UBND xã cử hòa giải viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, lập dự toán ngân sách cho công tác hòa giải ở cơ sở, đảm bảo thanh toán thù lao hòa giải cho các hòa giải viên theo quy định. Trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, 100% các hòa giải viên đều được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành của xã đạt trên 80%.

Cùng với đó, huyện đã quan tâm chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình tổ hòa giải điển hình tiên tiến để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Nếu năm 2018, huyện có 8 tổ hòa giải điển hình tiên tiến, thì đến nay huyện có 33 tổ hòa giải điển hình tiên tiến, chiếm gần 30% tổng số tổ hòa giải của huyện. Các tổ hòa giải điển hình tiên tiến có cách hòa giải khéo léo, vận dụng linh hoạt, có hiệu quả phương pháp, cách thức hòa giải kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các bên tranh chấp, với tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%. Ông Hoàng Văn Thành, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Còn Đuống, xã Đình Lập cho biết: Tổ hòa giải thôn có 5 thành viên. Khi hòa giải chúng tôi vừa nêu lý lẽ, quy định của pháp luật, vừa vận dụng tình làng nghĩa xóm để thuyết phục các bên tranh chấp. Được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải thường xuyên, đồng thời các hòa giải viên đều chủ động nghiên cứu tìm hiểu Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan, nhờ đó chất lượng hòa giải được nâng cao. Mỗi năm chúng tôi tham gia hòa giải 3 đến 5 vụ, tỷ lệ thành đạt trên 90%, nội dung hòa giải như: tranh chấp đường bờ ruộng, lối đi chung, hôn nhân gia đình…

Từ sự quan tâm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đình Lập ngày càng có hiệu quả, chất lượng. Qua đó, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm các khiếu kiện vượt cấp. Trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (2013 – 2023), toàn huyện hòa giải thành 1.536/1.771 vụ việc hòa giải, đạt tỷ lệ 86,73% (cao nhất tỉnh). Tháng 11/2023, Phòng Tư pháp huyện Đình Lập được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2018 – 2023 (đây là cấp huyện duy nhất được nhận bằng khen này).

Nguồn: baolangson.vn

About