Skip to main content

Chuyển biến tích cực trong thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 26/2/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (Chỉ thị 27), việc thực hiện quy chế dân chủ nói chung và thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã đạt nhiều kết quả tích cực.

5

Công chức tư pháp – hộ tịch xã Điềm He, huyện Văn Quan hướng dẫn công dân làm thủ tục đăng ký khai sinh

Trước đây, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã còn một số hạn chế như: việc thực hiện ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, hương ước, quy ước còn chung chung;... Từ thực tiễn đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 27 nhằm góp phần thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở.

Ông Lương Tiến Trình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là một trong ba nội dung trọng tâm của thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện Chỉ thị 27, các xã, phường, thị trấn đã tổ chức quán triệt, thực hiện công khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến Nhân dân; các nội dung dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra được các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn thực hiện khá đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tình hình của từng địa phương, cơ sở. Chính quyền các xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tiếp thu kiến nghị, đóng góp của người dân, kịp thời giải quyết mong muốn chính đáng cho người dân, giúp người dân tiếp cận rộng rãi các nguồn thông tin; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường đối thoại, công khai, dân chủ trên cơ sở thống nhất ý kiến của người dân trước khi tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách an sinh xã hội; phát huy vai trò các ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban thanh tra nhân dân..

Cùng đó, cấp ủy, chính quyền cấp xã đã phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ trên địa bàn. Việc công khai các nội dung dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát được thực hiện dưới các hình thức đa dạng như niêm yết tại điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; qua hệ thống truyền thanh, tờ rơi, cổng thông tin điện tử, họp khu dân cư, hội nghị tiếp xúc cử tri, qua đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân...

8

Người dân khối 4, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc bỏ phiếu lấy ý kiến đề án sáp nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn

Từ việc triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, tại các xã, phường, thị trấn, quy chế dân chủ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó, nổi bật là người dân thực sự phát huy quyền làm chủ, tham gia bàn bạc, thảo luận các vấn đề, đóng góp ý kiến vào một số nội dung chương trình, dự án trên địa bàn. Đơn cử như thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, người dân đã giám sát và kiến nghị xử lý được nhiều vụ việc sai phạm. Trong 10 năm qua, ban thanh tra nhân dân đã giám sát được trên 5.000 cuộc, phát hiện kiến nghị xử lý trên 100 vụ việc sai phạm; ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được trên 4.500 cuộc, phát hiện kiến nghị xử lý trên 70 vụ việc sai phạm

Ông Lăng Văn Choóc, Bí thư Chi bộ, Khối trưởng khối Cửa Bắc, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Giữa năm 2023, khối có công trình đường ngõ từ đường Trần Hưng Đạo vào khu dân cư, ban giám sát đầu tư cộng đồng đã được thành lập và phát huy vai trò kịp thời giám sát, đảm bảo các hạng mục công trình. Khi đơn vị thi công san gạt nền đường để xây dựng, các thành viên trong ban và người dân phát hiện nền đường đầu ngõ cao hơn nền đường bên trong nên đã đề nghị đơn vị thi công san gạt lại, đảm bảo cho việc thoát nước mưa, tránh ngập đường ngõ sau này. Nhờ đó công trình được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.

Hay như việc tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh cũng đạt những kết quả tích cực nhờ phát huy dân chủ ngay tại cơ sở. Qua tổng hợp, 17 xã được sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri và phần lớn cử tri đều nhất trí với chủ trương.

Bà Nông Thị Hương Giang, Bí thư Đảng uỷ xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tháng 5/2024 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân về việc nhập huyện Cao Lộc vào thành phố và việc thành lập phường Mai Pha trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Mai Pha. Chúng tôi đã chỉ đạo 12/12 thôn đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, niêm yết đầy đủ danh sách cử tri, văn bản liên quan để người dân nghiên cứu. Qua lấy ý kiến, xã có 5.586/5.589 cử tri đồng tình nhập huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn, đạt 99,95% và 100% cử tri đồng ý thành lập phường Mai Pha trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Mai Pha.

Cùng đó, các xã, phường, thị trấn duy trì và thực hiện tốt công tác tiếp công dân tại trụ sở; bố trí địa điểm tiếp công dân, xây dựng và niêm yết lịch tiếp công dân; phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định, góp phần giải quyết nhiều vụ việc ngay từ cơ sở. Đồng thời chú trọng công tác đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với Nhân dân, để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất cũng như tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Nhờ thực hiện hiệu quả Chỉ thị 27, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến sâu sắc về nhận thức, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng được nhân rộng; Nhân dân luôn đồng thuận, ủng hộ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tạo đồng thuận từ phát huy dân chủ

Sau 10 năm thực hiện quy chế dân chủ, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, người dân hiểu và nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được tham gia, góp ý, giám sát thực hiện. Từ đó tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 

3Bà Hoàng Thị Hiếu, Chủ tịch UBND xã Điềm He, huyện Văn Quan: “Xây dựng chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”

Xã Điềm He được thành lập từ ngày 1/1/2020, trên cơ sở sáp nhập các xã: Văn An, Song Giang và 3 thôn của xã Vĩnh Lại. Sau sáp nhập, cấp ủy, chính quyền xã luôn tập trung thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân, nổi bật là xã đã chú trọng xây dựng chính quyền thân thiện; thực hiện tốt việc tiếp dân, đối thoại và giải quyết đơn thư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính, thông tin rộng rãi các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến người dân... Trung bình mỗi năm UBND xã tiếp nhận, giải quyết trên 1.000 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng và trước hạn đạt 100%, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt từ 98% trở lên.

3

Ông Dương Trùng Lỷ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, người có uy tín thôn Co Loi, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc: “Mọi công việc của thôn đều có sự tham gia góp ý của người dân”

 Thôn Co Loi, xã Mẫu Sơn có 47 hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Để triển khai các công việc, chúng tôi chú trọng thông tin, tuyên truyền rộng rãi các nội dung, tổ chức việc lấy ý kiến người dân đảm bảo mọi công việc đều có sự tham gia góp ý của người dân. Đơn cử như việc làm đường giao thông nông thôn, chúng tôi đã tuyên truyền đến người dân ý nghĩa của chủ trương, lợi ích, tổ chức họp dân lấy ý kiến về mức đóng góp, cách thức triển khai, do đó 100% hộ dân đều đồng tình ủng hộ. Từ năm 2021 đến nay, chúng tôi đã vận động Nhân dân hiến trên 5.000 m2 đất để mở rộng tuyến đường xã, đường trục thôn được gần 3 km; đóng góp gần 100 ngày công xây dựng 1 tuyến đường điện từ trụ sở UBND xã đến trường mầm non xã với tổng chiều dài khoảng 1 km..

3

Anh Hoàng Văn Hòe, thôn Đồng Ghè, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng: “Đồng tình với các chủ trương, chính sách khi được biết, được lấy ý kiến và được kiểm tra”Khi có chủ trương, chương trình, dự án, chính quyền xã, trưởng thôn tổ chức tuyên truyền, cung cấp cho chúng tôi đầy đủ các văn bản liên quan. Tại thôn, chúng tôi được lấy ý kiến về hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; việc bầu trưởng thôn, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; về các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Các khoản đóng góp, các mức và số tiền thu được qua các đợt vận động đều được các đồng chí bí thư, trưởng thôn công khai trong các cuộc họp ở thôn do đó chúng tôi rất yên tâm tin tưởng và nhất trí với các chủ trương, đóng góp đầy đủ các loại quỹ và tham gia các hoạt động của địa phương. Đơn cử như xây dựng đoạn đường lên trụ sở xã, tôi đã tự nguyện dùng xe tải của mình vận chuyển vật liệu, hỗ trợ 24 m3 đá. Ngoài ra, gia đình tôi cũng tích cực tham gia đóng góp tiền, vật liệu để xây dựng nhà văn hóa, nhà đại đoàn kết cho hộ chính sách trong thôn.

Nguồn: baolangson.vn

About