Skip to main content

Sự ra đời và ý nghĩa lịch sử của Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng

Hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2022), Ban Dân vận Trung ương đã ban hành Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và 23 năm Ngày "Dân vận" của cả nước (15/10/1999 - 15/10/2022).

Theo đó, từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản. Các văn kiện được thông qua tại Hội nghị (Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ rõ nội dung, nhiệm vụ cách mạng và định hướng cho công tác vận động quần chúng nhằm vào mục tiêu chung của dân tộc.

Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: "Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động". Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng Nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

bac1

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng (Ảnh: tư liệu)

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Từ năm 1930 đến nay, công tác dân vận của Đảng đã trải qua 03 chặng đường phát triển gắn liền với lịch sử Việt Nam: Công tác dân vận trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945); Công tác dân vận trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975); Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Trong trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945), thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh đường lối cách mạng của Đảng là đúng đắn; đó cũng là thắng lợi của nghệ thuật vận động quần chúng; Đảng biết dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, tuyên truyền giác ngộ Nhân dân, tổ chức tập hợp và hướng dẫn quần chúng Nhân dân đấu tranh giành chính quyền.

bac2

Bác Hồ nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn ngày 23/2/1960 (Ảnh: tư liệu)

Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975), thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là sự thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng Hồ Chí Minh; "Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân..."; phát huy cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đi vào chiều sâu, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng - Nhà nước với Nhân dân…

Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận", theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là Ngày "Dân vận" của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận. Trải qua 92 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Nội dung chi tiết của Đề cương xem tại đây.

Tô Ngọc Hưng, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lạng Sơn

About