Skip to main content

Phát huy vai trò người đứng đầu trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, các vụ việc mới phát sinh đã được thụ lý, giải quyết kịp thời; một số vụ việc phức tạp kéo dài được tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

  Đồng bộ trong chỉ đạo

Thực hiện Quy định số 11của Bộ Chính trị, ngày 25/9/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 1993-QĐ/TU về ban hành Quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân, đối thoại và xử lý những phản ánh, kiến nghị, KNTC của công dân; công văn số 610-CV/TU, ngày 8/3/2022 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC. Để thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 29/7/2022 về tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, KNTC trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động nắm tình hình địa bàn; thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, giải quyết các vụ việc mới phát sinh và xử lý, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài.

tcd1

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện giải quyết phản ánh, kiến nghị, KNTC của công dân tại huyện Văn Quan

Cùng với đó, UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, giao ban công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Tòa án Nhân dân tỉnh, công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân; tập trung giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn do Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và các cơ quan khác chuyển đến. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là hòa giải tranh chấp đất đai; kịp thời giải quyết tranh chấp, khiếu nại ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Theo định kỳ, ngày mùng 1 và 16 hằng tháng, Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố thực hiện tiếp công dân tại Ban Tiếp công dân thành phố; tại cấp cơ sở, các xã, phường cũng duy trì thực hiện nghiêm túc công tác này. Trong đó, các cấp đã tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm từ cơ sở các vụ việc mới phát sinh, không để người dân bức xúc khiếu kiện vượt cấp, không để phát sinh thành điểm nóng.

  Tăng cường tiếp dân, giải quyết KNTC

Năm 2022, các cơ quan hành chính trong tỉnh đã tiếp 4.209 lượt công dân đến kiến nghị, phản ánh, KNTC và đề đạt nguyện vọng, tăng 29,59% so với cùng kỳ năm 2021. Nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án; việc thực hiện các chính sách xã hội…. Địa bàn phát sinh nhiều công dân có kiến nghị, phản ánh, khiếu nại là thành phố Lạng Sơn và huyện Lộc Bình. Trong đó, nổi lên một số vụ việc công dân có kiến nghị, phản ánh đông người, kéo dài như: vụ việc một số công dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Chỉnh trang, phát triển đô thị và quy hoạch khu dân cư khối 2, phường Vĩnh Trại; Dự án Hạ tầng khu dân cư khối 9, phường Vĩnh Trại; Dự án Khu đô thị mới Mai Pha (thành phố Lạng Sơn) và Dự án Cầu Lộc Bình số 1, đường giao thông và khu tái định cư xã Lục Thôn; Dự án Quần thể Khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình)…

tcd2

Cán bộ Ban Tiếp công dân tỉnh tiếp nhận phản ánh của Nhân dân trên địa bàn tỉnh

Đối với các vụ việc nêu trên, tại các cuộc tiếp công dân định kỳ vào ngày 15 và 28 hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động kiểm tra, rà soát trình tự, thủ tục thực hiện dự án và công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, khẩn trương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với các nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân, kịp thời đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án; đồng thời tuyên truyền, vận động công dân chấp hành nghiêm túc chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật để tạo đồng thuận trong việc thu hồi đất thực hiện các dự án để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Lộc Bình là một trong hai địa bàn có số công dân kiến nghị, phản ánh, KNTC nhiều. Theo báo cáo của huyện, từ năm 2020 đến năm 2022, các phòng, ban, cơ quan chức năng đã tiếp nhận 615 vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh (59% đơn thuộc dự án trọng điểm); nhiều vụ việc công dân tập trung khiếu kiện đông người liên quan đến thực hiện một số dự án trọng điểm của tỉnh và huyện. Ông Hoàng Văn Chiều, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Chủ yếu công dân chưa đồng tình với chủ trương thu hồi đất và các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, đồng thời đưa ra các yêu cầu không có cơ sở để xem xét về các chế độ chính sách. Với vai trò người đứng đầu chính quyền, giai đoạn 2020 – 2022, tôi đã tiếp công dân định kỳ được 40 kỳ, 2 kỳ đột xuất; uỷ quyền Phó Chủ tịch tiếp 22 kỳ. Các cấp của huyện đã giải quyết 59/61 đơn khiếu nại, đạt 96,7%; 4/4 đơn tố cáo, đạt 100%; 1.349/1.474 đơn kiến nghị, phản ánh, đạt 91,5%.

Trong 9 tháng năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy tổ chức tiếp được 8 kỳ, 9 vụ việc với 25 lượt công dân; bí thư các huyện ủy, thành ủy tổ chức tiếp công dân được 80 kỳ với 45 lượt công dân; bí thư đảng ủy các xã tổ chức tiếp được 973 cuộc; Chủ tịch UBND tỉnh tiếp 12 kỳ với 220 lượt công dân. Quá trình tiếp công dân, nhiều nội dung kiến nghị, phản ánh đã được làm rõ, được công dân đồng thuận; các kiến nghị, phản ánh đã được ghi nhận và giao cho các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Việc triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị  từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian qua đã góp phần phát huy vai trò người đứng đầu trong tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh. Qua các cuộc tiếp dân, những ý kiến của công dân đã được các cấp lãnh đạo lắng nghe, giải quyết, một số vụ việc phức tạp đã được xử lý kịp thời, không để hình thành điểm nóng về an ninh trật tự tại cơ sở. Phát huy những kết quả đó, thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện Quy định số 11, các văn bản chỉ đạo của tỉnh, đồng thời chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân, để Nhân dân nắm chắc, hiểu sâu và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong thực hiện quyền công dân của mình.

CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Theo khoản 5, 6 và 7 Điều 6 của Luật Khiếu nại năm 2011, các hành vi bị nghiêm cấm trong khiếu nại gồm:“…5. Cố tình khiếu nại sai sự thật – 6. Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng – 7. Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác – 8. Vi phạm quy chế tiếp công dân.”

Tại Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018, các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo gồm: “….10. Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo – 11. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo – 12. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác – 13. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.”

Nguồn: baolanngson.vn

About