Skip to main content

Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân từ công tác hòa giải ở cơ sở

gtb

Hòa giải ở cơ sở là nét đẹp truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, là hoạt động mang tính tự nguyện, tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Hoạt động hòa giải ở cơ sở về bản chất là hướng dẫn, giúp đỡ thông qua việc thuyết phục, vận động các bên đi đến thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Trong giai đoạn hiện nay, công tác hòa giải ở cơ sở càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Xác định tầm quan trọng đó, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 12/10/2017 (Chỉ thị số 17-CT/TU) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền chủ động xây dựng, ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội, hạn chế các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Từ đó đã tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

1

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.718 tổ hoà giải với 10.891 hoà giải viên. Thành viên các tổ hòa giải bao gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn (tổ trưởng tổ dân phố), trưởng ban công tác mặt trận, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội nông dân, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên... Các hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Trong 05 năm 2018 - 2022, các tổ hoà giải trên địa bàn toàn tỉnh đã hoà giải thành 10.209/14.017 vụ việc, đạt tỉ lệ 73%, nội dung hoà giải chủ yếu là tranh chấp trong nội bộ nhân dân về đất đai, đồi rừng, tài sản, hôn nhân gia đình... Kết quả, chất lượng hòa giải ở cơ sở năm sau tăng cao hơn năm trước, một số huyện có tỷ lệ hoà giải thành đạt cao như: Bắc Sơn (83%), Cao Lộc (83%).

hoa giai 2

Hòa giải viên tuyên truyền pháp luật cho người dân (ảnh: baolangson.vn)

Đặc biệt là từ năm 2019, 100% các huyện, thành phố đã lựa chọn mỗi huyện 2 đơn vị cấp xã để chỉ đạo điểm về công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó tập trung vào các xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Tại mỗi đơn vị cấp xã đã lựa chọn 2 tổ hòa giải để xây dựng tổ hòa giải điển hình tiên tiến. Hầu hết các tổ hòa giải điển hình tiên tiến đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định; tiêu chuẩn (Tổ hòa giải có từ 5 tổ viên trở lên, có đủ đại diện các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở tham gia), số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, quy tụ được lực lượng nòng cốt, có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả cao. Thông qua hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải điển hình tiên tiến, hằng năm tiếp tục nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 161 tổ hòa giải điển hình tiên tiến, các tổ hòa giải điển hình tiên tiến đã được lựa chọn xây dựng đồng bộ, toàn diện góp phần cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở. Tỷ lệ hòa giải thành của các tổ hòa giải điển hình tiên tiến đạt trên 90%. Qua đó đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư vượt cấp, tiết kiệm thời gian và nguồn lực của cơ quan nhà nước và công dân.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp hướng dẫn, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành chính sách pháp luật thường xuyên được tăng cường, đẩy mạnh. Uỷ ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên hướng dẫn, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, tham gia thành viên các tổ hoà giải, các hoạt động hòa giải được thực hiện lồng ghép với thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư, công tác phòng, chống tội phạm, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, các phong trào, cuộc vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đã tạo thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân, công tác hòa giải ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực về an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư, việc thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, cụ thể năm 2018 toàn tỉnh đã có 1.232/2.313 “Khu dân cư văn hóa” đạt 53,26%, đến năm 2022 có 1.420/1.676 “Khu dân cư văn hoá” đạt 84,7% (tăng 31,44% so với năm 2018); năm 2018 có 143.926/191.617 “Gia đình văn hoá” đạt 75,1%, đến năm 2022 có 166.189/192.685 “Gia đình văn hoá” đạt 86,2% (tăng 11,1% so với năm 2018)”.

hoa giai 3

Các đại biểu tập huấn công tác hòa giải ở cơ sở (ảnh: baolangson.vn)

  Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho các tầng lớp nhân dân là khâu quan trọng góp phần cho thành công của công tác hòa giải ở cơ sở. Hằng năm Ủy ban MTTQ các cấp đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các tổ chức thành viên, Hội đồng phối hợp PBGDPL cùng cấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tôn trọng và chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư; giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa giải; chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín trong cộng đồng trong công tác hướng dẫn, vận động đoàn viên, hội viên, thành viên tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Từ năm 2018 đến năm 2022 đã tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến các luật được 22.207 cuộc với trên 1.800.000 lượt người tham dự. Nhờ đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả, tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống ngày càng văn minh, thượng tôn pháp luật.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này trong đời sống xã hội, để nhân dân lựa chọn sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng.

Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó xác định được phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Ba là, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ được giao; quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động, phát huy vai trò chủ động tham mưu của cán bộ mặt trận, các đoàn thể tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các tổ hòa giải ở cơ sở.

Bốn là, gắn công tác hòa giải với công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; cần thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật cho tổ hòa giải và hòa giải viên như các đề cương tuyên truyền, tài liệu hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật và các tài liệu cần thiết khác nhằm giúp hòa giải viên nắm bắt kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận dụng có hiệu quả trong quá trình tiến hành hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.

Năm là, thường xuyên kiểm tra đánh giá hoạt động hòa giải ở cơ sở, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, gương sáng điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời cần bảo đảm những điều kiện về vật chất tốt nhất cho hoạt động này.

GTB

About