Skip to main content

Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm; Vận động là quá trình tuyên truyền, giải thích, thuyết phục người khác tự nguyện làm một việc nhất định. Trong công tác dân tộc hay trong hoạt động nhất định ở vùng dân tộc thiểu số, các cơ quan chức năng, chính quyền, cá nhân, tập thể, người có uy tín tuyên truyền, giải thích, thuyết phục đồng bào các dân tộc trong việc nhận thức và thực hiện các nội dung chính sách, các phong trào xã hội, thi đua yêu nước…đề ra.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên 8.310 km2; đường biên giới dài 231,74 km tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố loại II, có 200 xã, phường, thị trấn và 1.658 thôn, tổ dân phố. Dân số toàn tỉnh là 802.090 người, với 07 dân tộc chủ yếu là: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông và Sán Chay (trong đó dân tộc Nùng và Tày chiếm 83,91%). Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2022 đạt 6,95%/năm. Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 - 2022 đạt 49,26 triệu đồng/năm. Tổng số hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh năm 2022 là 37.817 hộ, chiếm tỷ lệ 19,28%.

Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như thực hiện Kết luận số 1364-KL/TU, ngày  07/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 25/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với việc thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc... Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 –2025”; Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”. Qua đó làm chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo tiền đề cho sự phát triển, góp phần thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.

5

Đồng chí Lý Văn Khi, Phó Ban Dân tộc tỉnh tại Hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Sơn

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 77-NQ/TU, ngày 25/5/2022 về phân công cấp ủy viên, lãnh đạo quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, TDP, hộ gia đình theo phương châm “tỉnh nắm đến xã; huyện nắm đến thôn; xã nắm đến hộ gia đình”; “cấp ủy tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở đảng; cấp ủy huyện nắm đến chi bộ; đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”. Giai đoạn 2022 - 2023, Thường trực Tỉnh ủy, thường trực các huyện ủy, thành ủy của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã làm việc được với 100% số thôn, tổ dân phố; đồng thời, phân công cấp ủy viên các cấp định kỳ dự sinh hoạt chi bộ tại các thôn, tổ dân phố nhằm thực hiện đúng nguyên tắc bám sát cơ sở, gần dân, trọng dân, sát dân và kịp thời nắm bắt, xử lý vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Triển khai thực hiện mô hình “chính quyền thân thiện cấp cơ sở” nhằm xây dựng và thực hiện phong cách cán bộ, công chức“trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Đến nay đã có 166/200 (83%) xã, phường, thị trấn triển khai xây dựng mô hình. Có 100% đơn vị thực hiện lắp đặt hòm thư góp ý; 93,9% đơn vị lắp đặt lịch tiếp công dân, bảng niêm yết công khai các thủ tục hành chính và treo các khẩu hiệu 5 biết (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn), 4 luôn (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ), 3 thể hiện (tôn trọng, văn minh, gần gũi); đã thực hiện phát 53.876 phiếu khảo sát lấy ý kiến của nhân dân, 867 thư cảm ơn; tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn được 3.318 lượt; giải quyết 1.408.265 thủ tục hành chính trước và đúng hẹn.

Description: A person in uniform reading a book to a group of people

Description automatically generated

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình tuyền truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn

Đổi mới trong công tác phối hợp tổ chức, hướng dẫn, phát huy vài trò tập hợp, đoàn kết của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội với các cơ quan chức năng trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững và bảo vệ an ninh quốc phòng gắn với các phong trào, cuộc vận động như “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư’’; “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã huy động được sức dân tham gia tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia. Chỉ tính riêng năm 2022, đã tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng tự nguyện hiến tặng được trên 55.917m2 đất để làm đường và làm công trình công cộng, đóng góp được 115.844 ngày công. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững với một số mô hình tiêu biểu như Hợp tác xã Thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình được thành lập từ 2020 gồm 16 thành viên cùng góp vốn, với mục tiêu phát triển cây Chanh rừng Mẫu Sơn, với tổng diện tích 11,5ha, góp phần tăng thu nhập ổn định cho gia đình thành viên. Mô hình HTX chăn nuôi ngựa tại Thôn Vinh Tiên, xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình thành lập năm 2021 có 10 thành viên tham gia, hiện nay HTX có 41 con ngựa bạch, đã nhân giống và mua thêm 55 con ngựa bạch được chăn thả tự nhiên theo hộ. Mô hình Hợp tác xã Thành lộc xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình phát triển trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng cung cấp con giống ( gà 6 ngón) cho bà con nhân dân cùng phát triển với hơn 3.000 con giống, mỗi tháng cho khoảng 42.000 trứng. Mô hình Tổ hợp tác Sản xuất mật ong tự nhiên tại xã Quang Trung, huyện Bình Gia, do ông Triệu Văn Bao làm tổ trưởng với 37 thành viên, hiện có 284 tổ ong, thu nhập hàng năm được khoảng 1000 lít, giá trị là hơn 130 triệu. Đặc biệt là mô hình "Công trình dân sinh thắm tình đồn xã" của các đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng 332 công trình, phần việc, tổng trị giá hơn 8,4 tỷ đồng, cụ thể: Xây 13 nhà ở cho các gia đình chính sách, 99 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình; làm 4 công trình thắp sáng đường thôn, 1 cầu dân sinh, 1 ngầm qua suối, 1 công trình nước sạch; 1 khu vui chơi cho trẻ em, 1 vườn thuốc nam....

Mặc dù đời sống kinh tế của đồng bào DTTS, biên giới đã có bước phát triển nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn nhiều khó khăn, hộ nghèo đồng bào DTTS, biên giới còn chiếm tỷ lệ cao, trình độ học vấn không đồng đều, vẫn còn một số ít hủ tục lạc hậu chưa được xoá bỏ. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội chưa thật sự coi trọng công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS; nội dung, hình thức còn dàn trải, cứng nhắc, nặng về lý thuyết, chưa gắn với thực tiễn với nhu cầu tiếp nhận thông tin và tâm lý tiếp nhận thông tin của đồng bào; chưa phát huy tốt vai trò Người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động ở cơ sở; một số cán bộ làm công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS không nói thông thạo tiếng đồng bào DTTS…Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được nhằm tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo vệ an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là,  tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng có đông đồng bào DTTS. Chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực 1/7/2023. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số và khắc phục tình trạng không có tổ chức đảng và đảng viên ở các thôn, bản, nhất là đảng viên là người dân tộc thiểu số ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

Hai là, đổi mới nội dung công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với nhu cầu đời sống, sản xuất, phù hợp với trình độ và tâm lý tiếp nhận thông tin của đồng bào thì chủ trương, chính sách đó mới đi vào cuộc sống một cách thiết thực. Đổi mới phương thức tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS bằng nhiều phương pháp, phương thức phù hợp với từng dân tộc, từng khu vực nhằm giúp đồng bào DTTS hiểu và đồng thuận trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; do đó phải lựa chọn phương thức triển khai công tác tuyên truyền phù hợp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phương thức tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền qua hệ thống cụm loa truyền thanh của các thôn, tổ dân phố; tăng thời lượng các buổi phát thanh bằng tiếng DTTS trên sóng phát thanh, truyền hình vào thời gian phù hợp với đời sống sản xuất của đồng bào, với nội dung đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu.

Ba là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ công chức công tác tại vùng đồng bào DTTS và biên giới có kiến thức, am hiểu phong tục, tập quán, tâm lý của đồng bào và phải biết nghe, biết nói thông thạo tiếng đồng bào DTTS để tuyên truyền và xử lý mọi tình huống; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, có như vậy công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS mới mang lại hiệu quả cao.

Thứ tư, Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tham gia và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025; giải quyết hài hòa quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; tập trung giải quyết tốt những vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là tư liệu sản xuất đất đồi rừng, đầu ra cho nông sản, cải thiện đời sống Nhân dân. Đây được coi là yếu tố then chốt nhằm xây dựng cuộc sống mới cho đồng bào DTTS, tạo cho bà con nguồn sinh kế bền vững.

Thứ năm, Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đồng bào DTTS, đối thoại, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới gắn với biểu dương, khen thưởng các mô hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

Ban Biên tập

 

About