Skip to main content

Chuyển biến tích cực trong “Xây dựng khu dân cư văn hóa”

Trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa nhằm tạo môi trường sống lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, khơi dậy tình đoàn kết giữa bà con trong khu dân cư và tính gắn kết giữa các dân tộc trong tỉnh.

Không còn con đường đất nhỏ hẹp như những năm trước đây, hiện nay, đường vào thôn Bản Mới, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan đã được trải bê tông sạch sẽ, 2 bên đường được trồng rất nhiều loại hoa. Bà Nông Thị Thơ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Mới, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan cho biết: Thôn có 87 hộ, 415 nhân khẩu, thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, chi bộ chỉ đạo ban mặt trận thôn thường xuyên phối hợp với các đoàn thể tích cực tuyên truyền đến người dân các tiêu chí của phong trào lồng ghép trong các cuộc họp thôn, xóm. Đặc biệt, thôn coi trọng vai trò tổ liên gia, coi đây là cánh tay đắc lực đối với mọi hoạt động của thôn, từ công tác tuyên truyền đến vận động người dân góp tiền của, ngày công xây dựng các công trình; vệ sinh môi trường… Nhờ đó, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai các phần việc của thôn. Năm 2022, thôn đã vận động các hộ gia đình trồng, chăm sóc đường hoa dài 200 m. Có 79/87 hộ đạt gia đình văn hóa, tăng 9 hộ so với năm 2021. Thôn cũng đạt danh hiệu văn hóa 3 năm liên tục.

dc

Người dân thôn Rẫy, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng giao lưu văn nghệ trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11

Cũng như Bản Mới, những năm gần đây phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa được người dân thôn Mạn Đường, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng hưởng ứng tích cực. Ông Chu Văn Cường, trưởng thôn Mạn Đường cho biết: Thôn có 138 hộ, 599 nhân khẩu. Để phong trào xây dựng  khu dân cư văn hóa đi vào thực chất, chúng tôi luôn nêu cao vai trò của đảng viên trong các hoạt động phong trào, vận động người dân góp tiền, góp sức hiến đất làm  đường trục thôn, bê tông hóa đường nội thôn. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, người dân trong thôn đã hiến 180 m2 đất, góp 140 nghìn đồng/hộ, gần 100 ngày công làm đường, ngoài các khoản đóng góp trên, các đảng viên đóng góp thêm 100 nghìn đồng/người; năm 2022, thôn có 134/138 hộ đạt gia đình văn hóa (tăng 1,5% so với 2021).

Thôn Bản Mới và thôn Mạn đường chỉ là 2 trong số rất nhiều thôn đã có chuyển biến tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư thời gian qua. Cụ thể, về danh hiệu “Gia đình văn hóa”, năm 2022 có 69.425/79.397 hộ, đạt tỷ lệ 87,4% (tăng hơn 5% so với năm 2018). Về danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, năm 2022, toàn tỉnh có 1.382/1.676 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt 82,5% (tăng gần 30% so với năm 2018). Trong đó, nhiều địa bàn có tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt cao như thành phố Lạng Sơn (99%), huyện Hữu Lũng ( 98%), Cao Lộc (92%); Tràng Định (88%)…

dc1

Người dân khối Đại Thắng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Để đạt được những kết quả đó, hằng năm, ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố phổ biến, hướng dẫn, cụ thể hóa việc thực hiện các tiêu chí, xây dựng thang điểm xét tặng các danh hiệu khu dân cư văn hóa theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (gọi tắt là Nghị định 122) đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Công tác tuyên truyền về thực hiện các danh hiệu văn hóa được thực hiện xuyên suốt từ tỉnh tới cơ sở với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú.

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã treo trên 3.000 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền cổ động trực quan; phát hành gần 1.000 tài liệu tuyên truyền; tổ chức trên 750 buổi tuyên truyền lưu động, hơn 200 buổi biểu diễn nghệ thuật lồng ghép nội dung tuyên truyền về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở… Các đoàn thể chính trị – xã hội đồng loạt phối hợp tuyên truyền sâu rộng.

Ông Nông Dương Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ Ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch, hướng dẫn MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là xây dựng khu dân cu văn hóa đến 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Ủy ban MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết các dân tộc ở khu dân cư (18/11 hằng năm). Năm 2022, 100% các khu dân cư tổ chức ngày hội, qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó, ủy ban MTTQ các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật, xây dựng các mô hình “Khu dân cư an toàn”, “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”… Phối hợp duy trì, nhân rộng 837 mô hình về bảo vệ môi trường ở khu dân cư…

dc2

Nhờ tuyên truyền sâu rộng, phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa đã đi vào chiều sâu và được đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên địa tham gia hưởng ứng. Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Việc điều chỉnh các tiêu chí và cách đánh giá danh hiệu khu dân cư văn hóa khoa học, thực tế hơn theo Nghị định 122 cũng đã giúp cho các khu dân cư bình bầu, công nhận dễ dàng, công bằng và minh bạch hơn. Hằng năm, Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức tuyên truyền thực hiện phong trào bám sát các tiêu chí để đề ra giải pháp cụ thể; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí với nhiều hình thức; thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát cơ sở để áp dụng vào thực tiễn. Nhờ đó, năm 2022, toàn huyện có 169/209 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, đạt 80,9% (tăng 18% so với năm 2018).

  Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện theo hương ước, quy ước thời gian qua được các địa phương quan tâm hơn cũng đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa phát triển đi vào chiều sâu và có chất lượng hơn. Đến nay, trên 90% các khu dân cư trên địa bàn tỉnh hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung hương ước. Qua thực hiện hương ước, quy ước, người dân có điều kiện tham gia xây dựng các mô hình tự quản, giữ vững kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo pháp luật; ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng được cải thiện.

dc3

Nhờ những nỗ lực của các cấp, ngành, phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được đẩy mạnh.

Để phong trào tiếp tục được triển khai rộng khắp, hiệu quả, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, tạo động lực để Nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, bài trừ tệ nạn xã hội, hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nguồn: baolangson.vn

About